Thiết kế website

Nhận tư vấn, bảo trì, thiết kế website cho quý tổ chức, công ty, nhà hàng, dịch vụ tại Tiền giang. Tuân thủ các chuẩn SEO. Đảm bảo website hoạt động nhanh, áp dụng các công nghệ web tiên tiến nhất hiện nay.

Thông tin liên hệ:
- Phone: 0903 15 82 66 (Sơn)
- Email: sonlt@tiengiangonline.vn.

Nhạc hay - Giải trí

  • Bà mẹ quê
  • Mẹ tôi
  • Mẹ ở trong con
  • Mênh mông lòng mẹ
  • MeNgoiSangGao_HuongLan

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ

 

Quẩn quanh bên gánh hàng rong

Quẩn quanh bên gánh hàng rong Tôi thường rất ấn tượng với những người bán rong, một cái gì đó rất đỗi Hà Hội. Mà tôi, có lẽ đã gắn bó với Hà Nội quá lâu rồi! Và thật lạ là mỗi lần nhìn thấy người bán rong tôi thường nhớ tới quê nhà thuở ấu thơ…

Thuở nhỏ, quê nghèo Hà Tĩnh của tôi không có nhiều người bán rong. Buổi sáng, năm thì mười hoạ có người rao bán bánh mướt(bánh cuốn không có nhân) hay bánh tráng (bánh đa nướng), là những thứ quá xa xỉ đối với nhà tôi!

Lâu lâu cũng có một người đi bán đồ tạp hoá như bấm móng tay, quạt nan, quạt giấy, bật lửa, diêm, gương, lược và các đồ dùng thường ngày…

Giữa cái tĩnh mịch của buổi trưa mùa Đông, cái rét như cắt da thịt, đến chú gà trống mào đỏ cũng rúc đầu vào cánh mà quên đi giọng gáy oai hùng. Tiếng rao “Ai mua… không?” cất lên khiến người ta thấy bồi hồi ấm áp. Cái cảm giác đó thật khó diễn tả. Chẳng biết phải nói thế nào, chỉ nhớ rằng mỗi lần nghe tiếng rao đó, lũ trẻ chúng tôi lại tất tả chạy theo. Chẳng phải để mua cho mình một món đồ (vì chúng tôi không có tiền), mà đơn giản chỉ là để được nhìn một chiếc dao nhíp xinh xinh và mơ thấy mình đang ngồi gọt chiếc bút chì… Mà cũng chỉ là được nhìn chứ chẳng bao giờ được sờ vào, người bán hàng họ biết thừa chúng tôi chẳng có tiền…

Đông qua Xuân đến,

Thứ kích động nhất cho lũ trẻ chúng tôi là tiếng rao “Ai mua pháo đây?”. Cả xóm sẽ chạy ào ra bâu quanh chiếc xe đạp treo đầy những bánh pháo xanh đỏ. Bánh dài khoảng 1m hơn, bánh ngắn chỉ khoảng 50cm. Những chú pháo tép được tết thành hai hàng đều tăm tắp, cứ một quãng chừng gang tay lại có thêm chú pháo đùng oai vệ. Pháo tép nhỏ bằng đầu đũa, pháo đùng bằng ngón tay người lớn hoặc to hơn là bằng ngón chân cái, đầu ngòi pháo và đít được đổ xi. Cũng có pháo bán lẻ, một chục cái một bó.

Chờ cho lũ trẻ bâu thật đông thì anh chàng bán pháo mới lục túi áo ra một quả pháo tép, bật diêm châm ngòi, dứ dứ trước mặt lũ trẻ rồi tung lên trời. Một tiếng đoành rất đanh, mùi thuốc pháo thơm phức và xác pháo đỏ tươi tơi tả rụng xuống… Sau đó thì lũ trẻ sẽ túa đi tìm cách xin tiền, thường thì đứa nào may mắn cũng chỉ đủ để mua pháo lẻ mà thôi. Mà hễ có đứa nào mua được thì đứa đó trở thành đại tướng. Nó sẽ oai vệ đi hiên ngang dẫn đầu, lũ còn lại lẽo đẽo đi sau với tư thế rất nịnh nọt. Nếu được nó chia cho một quả thì mừng húm, có đứa sẽ giữ trong túi quần hàng tuần không dám đốt mà chỉ để khoe. Và sẽ buồn nhất là khi mẹ gặt quần lại quên không lấy pháo ra. Những đứa không được cho pháo cũng chẳng sao. Cả lũ sẽ kiếm một mảnh đất trống nào đó ít bị người lớn quấy rầy rồi tìm cách nịnh nó để nó đốt vài quả nghe cho bõ thèm… Hội đồng sẽ cho ra rìa, không thèm chơi với đứa nào mua được pháo rồi bỏ về nhà cất…

Hạ sang,

Mùa hè có lẽ là mùa có nhiều kỷ niệm nhất đối với lũ trẻ nhà quê chúng tôi. Được nghỉ hè và không phải đi học thêm. Được chơi găng, đánh đáo, được bắt cá, bắn chim, được bắt ve, thả diều, bơi lội, được chơi tẹt ga…

Mùa hè, cũng là mùa của kem.

“Ai cờ-rem kem đây!” kèm theo tiếng toe toe của chiếc kèn đồng trong tay anh bán cờ-rem nổi lên trên nền nhạc giao hưởng của lũ ve những buổi trưa hè oi bức là thứ tạo ra nhiều nước bọt trong miệng trẻ con nông thôn nhất trên thế gian. Những que kem rất thô sơ, dài chừng nửa gang tay, hình vuông hoặc dẹt hình chữ nhật, màu trắng nhờ nhờ. Đa phần là đá, chỉ pha chút đường hoá học cùng tí vị thơm va-ni (mình đoán vậy). Chúng tôi ngậm một đầu mà nút lấy nước ngọt thì chỉ vài hơi là trơ lại một “que đá” trong vắt. Nhưng mặc kệ, thế cũng đủ để có đứa bôi mỡ lên quai dép nhựa Tiền Phong của bố cho chó gặm (loại dép này nếu đứt vẫn có thể nung lưỡi dao dán lại, nhưng chó gặm thì bó tay) để mặc mẹ mắng bố dùng như phá, đi về dép chẳng treo lên…, còn mình sẽ rón rén xin đôi dép chó gặm mang đi đổi cờ-rem…

Thu về,

Mùa Thu quê tôi cũng có cốm, nhưng không như cốm làng Vòng Hà Nội. Những hạt lúa nếp còn chưa chín vàng được rang trên chảo nóng cho nứt vỏ ra rồi dùng chai thuỷ tinh chà tróc vỏ. Hạt cốm vẫn thơm nguyên mùi nếp nhưng chẳng còn mùi sữa của đòng đòng nữa. Ăn vào nửa giống lúa rang nửa giống cốm Vòng. Đôi lúc cũng có người đi bán cốm, nhưng tôi chẳng bao giờ được mua, vì thứ đó nhà tự làm được. Ngày đó ở quê tôi đất đai cằn cỗi, ruộng ít, người nhiều. Hợp tác xã chia ruộng cho nông dân theo nhân khẩu. Nhà tôi không phải nông dân nên không có ruộng. Tuy nhiên cũng có nhà được chia ruộng nhưng không làm (có thể do họ có nghề khác thu nhập tốt hơn, hoặc nhà nhiều người ốm yếu) thì mẹ tôi xin về làm nên nhà tôi cũng thường có ruộng. Có thể là một sào, hai sào gì đó. Nếu năm đó trồng lúa nếp thì mẹ sẽ cho ra gặt một bó về làm cốm, còn nếu như không trồng nếp thì mẹ tôi có thể đi xin của hàng xóm. Mẹ là giáo viên và được nhiều người quý mến nên cũng không khó xin.

Đó là cốm, còn khi đến mùa gặt (lúc này đã sang Đông) thì trẻ con ai cũng được ăn lúa rang.

Trẻ con thành phố thì chẳng đứa nào biết lúa rang. Là lúa chín (nếp thì ngon hơn) gặt về đập lấy hạt phơi khô. Đem hạt rang rồi nhằn vỏ ăn lấy ruột. Khi rang nếu là nếp thì đa phần hạt thóc nổ bung như bắp rang, ăn đỡ phải nhằn vỏ. Còn là lúa thường(quê tôi gọi là lòn) thì ít nổ nên cắn rất khó và hay bị rộp lưỡi.

Cốm và lúa rang là vậy,

Nhưng thứ đọng lại trong tôi nhiều nhất vào mùa thu lại là kê. Nồi chè kê nóng hổi mở vung, mùi kê lẫn mùi mật mía thơm lừng bốc lên trong cái se lạnh bàng bạc cuối thu quả là hấp dẫn khôn cùng. Chị bán hàng dùng một chiếc môi nhôm múc thứ hỗn hợp sền sệt đó quết lên một mẩu bánh tráng vừng(bánh đa vừng nướng giòn) rộng chừng bàn tay người trưởng thành. Quết dày bằng độ bề ngang ngón tay rồi úp một miếng bánh tráng khác lên trên. Một chiếc bánh đa kê luôn là niềm ước mơ của tôi vào những ngày trời âm u se lạnh. Cho đến bây giờ cũng vậy. Tuy nhiên vì đó là thứ nhà tôi không làm được nên tôi ít được ăn. Chỉ hôm nào được đi chợ xa với mẹ (chợ Đức Lạc hoặc Chợ Bộng, cách nhà tôi khoảng gần chục cây số thì phải) may ra mới được mẹ mua cho một cái mà ăn.

Từ hồi ra Hà Nội không thấy ai bán, cho đến năm ngoái, khi đang đi trên cầu Long Biên đúng vào hôm trời âm u rét mướt bỗng nghe tiếng rao “Ai bánh đa kê không?”, không cầm lòng được, mua ngay mấy cái. Nghĩ là ngon nên mua nhiều còn về cho mấy đứa ở nhà biết thế nào là bánh đa kê. Lấy một cái để ra ngoài ăn còn lại gói ghém cẩn thận cho khỏi nguội trên đường về. Đứng trên cầu xuýt xoa vì cái lạnh, cắn một miếng, rồi thật sự thất vọng. Nó không dậy mùi kê và có lẽ họ nấu bằng đường chứ không phải mật mía nên vị ngọt không dịu, không có mùi mật. Và nhất là chiếc bánh đa, không có vừng, mỏng quá, lại ỉu nữa… Nói chung là không ăn được. Đành cho hết chỗ bánh mà không mang về nhà, sợ rằng con sẽ có ấn tượng xấu với thứ bánh ba nó thích này!

Tôi ở Hà Nội đã được hai mấy năm, có lẽ cũng giống như bao người khác, ẩm thực vỉa hè và các tiếng rao, những gánh hàng rong có lẽ là thứ bám rễ sâu nhất trong tâm thức.

Thích nhất là hàng hoa tươi, là hàng rong đẹp đẽ, sặc sỡ sắc màu nhất. Ngày rằm, ngày mồng một thì nhiều vô kể. Thường là phụ nữ bán. Họ gánh hai đầu hai thúng hoa hoặc cho vào xô, vào mẹt và chở bằng xe đạp. Những bông hoa tươi thắm đủ màu sắc lắc lư theo nhịp gánh để lại sau lưng cô hàng một thứ mùi thơm dìu dịu phảng phất, hấp dẫn hơn vạn lần mùi nước hoa đắt tiền toả ra nơi xiêm y cô hót gơn bước xuống từ chiếc mini cooper để mua hoa cho mẹ bày bàn thờ.

Những năm gần đây, hàng rong và vỉa hè đã ít đi nhiều do chính sách của thành phố. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn được ăn phở tổ lái góc Hàng Chiếu, Hàng Đường, vẫn được cảm nhận mùi hương Loa kèn phảng phất trong tiếng rao mỗi khi tháng tư về… Và Hà Nội là nơi người ta thường nghĩ ra rất nhiều thứ. Có thể rất kỳ lạ! Vài năm trước người ta bán rong cả bếp ga, nồi cơm điện, và cả khoan bê tông nữa. Thường thì người bán rong phải tỏ ra rất thật thà chất phác. Nhưng cá biệt, người bán rong khoan bê tông lại phải tự nhận mình là kẻ ăn trộm. Khi có khách mua họ luôn giả vờ lén lút vụng trộm.

Bây giờ người ta lại bán nhiều thứ khác, họ bán rong cả đặc sản biển như cua, ghẹ… Rồi lạ nhất là họ bán rong thu mua trái phiếu, công trái… Có lần mình nghe rao mà nghĩ mãi không ra họ rao gì, phải chạy theo hỏi mới biết.Mánh khoé của họ là mua một chiếc khoan hiệu Bosch của Tàu, thay một mũi khoan cũ vào và bôi bẩn bằng vôi vữa rồi cho vào một chiếc vỏ bao xi măng đi rao bán. Người mua sẽ tưởng là khoan xịn bị ăn trộm ở một công trường nào đó nên sẵn sàng mua với giá cao gấp vài lần giá thực của nó. Sau này nhiều người biết nên không thấy người rao bán khoan bê tông nữa, nhưng cách đây năm bảy năm thì rất nhiều. Có vậy mới biết người Hà Nội thích tiêu thụ đồ ăn cắp.

Và mình tin rằng với tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, thị trường ảm đạm thế này thì sắp tới chuyện chúng ta nghe được câu rao “Ai mua nhà biệt thự An Khánh không?” hay “Ai mua cổ phiếu Sông Đà không?” là chẳng có gì kỳ lạ!

Ý KIẾN BẠN ĐỌC