Thông tin liên hệ:
- Phone: 0903 15 82 66 (Sơn)
- Email: sonlt@tiengiangonline.vn.
Xử lý lỗi excel bị treo (Not responding)
Cách phá mật khẩu của Sheet trong Excel thành công 100%
Tiền Giang có thêm 11 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh
Tiền Giang - Lịch sử hình thành
Ẩn các hoạt động gần đây của bạn trên Facebook
Coi chừng bỏ sót Sốt xuất huỵết có triệu chứng tiêu chảy
Trước Việt Nam, Trung Quốc (TQ) đã có một bề dày kinh nghiệm trong đàm phán về vấn đề biên giới và phân giới cắm mốc (PGCM) với hơn 10 quốc gia láng giềng khác. Trong khi đó, Việt Nam bước vào đàm phán, phân giới với TQ theo cách “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Thế nhưng, như lời thượng tá Triệu Quyết Long, nguyên trưởng nhóm PGCM số 6 của Hà Giang khẳng định, điều đó không có nghĩa là Việt Nam ở thế yếu.
|
Theo TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà phía TQ đồng ý áp dụng Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 làm cơ sở giải quyết biên giới. Còn với quốc gia khác có chung đường biên với TQ, nước này đều yêu cầu phải đàm phán lại từ đầu, với lý do những hiệp ước ký kết dưới chế độ thực dân - phong kiến trước đây nhà Thanh đều bị lép vế, không bình đẳng dẫn đến bất lợi cho họ.
Trong quá trình PGCM tại thực địa ở Hà Giang, mốc 379 (xã Phố Là, huyện Đồng Văn), địa bàn thuộc nhóm PGCM số 5 do thượng tá Nguyễn Ngọc Tuyên phụ trách, là một trong những cột mốc mà hai phía đấu tranh kịch liệt nhất. Được khởi động từ năm 2003 và mất hơn 6 tháng ròng rã song phương tác nghiệp thực địa nhưng cuối cùng hai bên không thống nhất được vị trí đặt mốc. Những cuộc đấu lý diễn ra căng thẳng, kéo dài hàng tháng trời nhưng rút cuộc không bên nào chịu bên nào. “Thậm chí có những lúc tưởng như hai bên không kiềm chế nổi, có thể xông tới đấm vào mặt nhau đến nơi...”, trung tá Vũ Quang Vịnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Phó Bảng, một trong những người trực tiếp tham gia cắm mốc 379, nhớ lại.
Khi đấu lý, đấu khẩu không xong lại đến tiết mục “thi gan”. Đến giờ làm việc hai bên lên vị trí mốc, kê bàn ghế và bắt đầu trao đổi, tranh luận. Nhưng chỉ sau ít phút tiếp tục lại bất đồng. Tranh cãi hàng tháng trời đã chán rồi nên chuyển sang im lặng. Không bên nào nói ai nói với ai câu nào.
“Hai bên cứ ngồi nhìn nhau như vậy từ sáng đến chiều. Hết giờ thì về và hôm sau lại lặp lại y hệt như thế. Cuộc đọ độ “lì” cũng kéo dài cả tháng mà không bên nào chịu xuống nước...”, trung tá Vịnh kể lại.
Sau đó vị trí mốc 379 đã phải gác lại cho đến tận gần 6 năm sau, khi quá trình PGCM vào giai đoạn cuối cùng (12.2008) mới giải quyết được bằng hình thức đối trọng “cả gói”.
Theo thượng tá Long, thực tế cho thấy trong quá trình PGCM tại thực địa, TQ thường quan tâm đến việc cắm mốc hơn là phân giới. Và họ cũng rất hay sử dụng những tiểu xảo nhằm gây khó dễ, ức chế cho ta. Những chỗ có lợi cho họ thì họ xúc tiến rất nhanh, ngược lại chỗ nào bất lợi thì tìm cách trì hoãn, thường đưa ra những quan điểm bất hợp lý, thiếu thiện chí hợp tác nên nhiều lúc làm chậm tiến trình. Có những chỗ vị trí hôm nay hai bên nhất trí được vị trí cắm cọc tiêu, hôm sau đến ký kết văn bản chính thức thì họ lại nói chưa được, chưa đúng phải làm lại từ đầu. Những trường hợp như thế có khi mất đến hàng tháng trời vì phải qua nhiều cấp xét duyệt.
Mặc dù có vụ việc phức tạp, căng thẳng nhưng với sự kiên trì bền bỉ, kết hợp đấu tranh ngoại giao và trên thực địa ta đã kịp thời ngăn chặn có hiệu quả với các hoạt động vi phạm của phía TQ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời tỏ rõ thiện chí và tình hữu nghị với nhân dân TQ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PGCM tại thực địa và trên đoạn biên giới của tỉnh được tiến hành đúng tiến độ, đạt kết quả.
Với thiện chí hợp tác của ta, phía TQ cũng có sự hợp tác, cùng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm PGCM của mỗi bên triển khai trên thực địa. Tại những nơi một trong hai bên có khó khăn về giao thông thì bên kia có thể cho mượn đường hoặc hỗ trợ đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh cho người và phương tiện tham gia công tác PGCM. “Chúng ta rất có thiện chí và chúng ta thực sự muốn hoàn thành công tác này nên nhiều khi cũng phải biết vận dụng cương, nhu hợp lý. Nếu như chỉ tìm cách chọc tức nhau thì sẽ không làm được gì cả...”, thượng tá Long nói.
Trước và trong quá trình PGCM, TQ đã liên tục vi phạm Hiệp định tạm thời ký ngày 7.11.1991. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang, từ 2002 - 2008 trên tuyến biên giới tỉnh đã phát hiện 224 vụ vi phạm Hiệp định 1991. Trong đó nổi lên là các hoạt động xâm canh, xâm cư, chôn mồ mả, xâm nhập vũ trang, làm đường lấn sang đất Việt Nam, làm cầu qua suối biên giới. Ngoài ra phía họ còn ngang nhiên ngăn cản các hoạt động của ta như mở đường tuần tra, rà phá vật cản, canh tác... Họ còn đưa ra những yêu sách buộc ta phải tạm dừng, làm chậm tiến độ thi công của ta kể cả những khu vực ta đang quản lý theo Hiệp định 1991. “Đó là những bước đi có chủ ý nhằm để từng bước khẳng định chủ quyền, tạo lợi thế trong PGCM sau này”, thượng tá Long phân tích.
Quan điểm chỉ đạo của Việt Nam lúc đó là “đấu tranh bằng đàm phán, thương lượng là chính, không để xảy ra đối đầu, xung đột quân sự gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên biên giới”. Song hành với đó là phương châm “kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không để xảy ra lấn chiếm bất kỳ hình thức nào”. Các lực lượng của ta quán triệt, vận dụng khéo léo, hợp lý quan điểm chỉ đạo này trong suốt quá trình PGCM với TQ.
Đối mặt tử thần Thời kỳ tác nghiệp trên đường biên, các nhóm PGCM cũng không ít lần chạm mặt cái chết do dính phải lượng bom mìn, vật cản bị sót. Trong quá trình rà phá bom mìn trước PGCM, Hà Giang đã thu hủy tới hơn 30 nghìn quả mìn, vật nổ các loại trên diện tích gần 830 ha. Trong chuyến khảo sát đơn phương tại mốc số 362 thuộc khu vực Đồn Bạch Đích (huyện Yên Minh), một đồng đội của thượng tá Triệu Quyết Long đã hy sinh vì giẫm phải một quả mìn K58. Các thành viên khác của tổ công tác may mắn thoát chết mặc dù đi ngay sát cạnh. Từ năm 2002 đến khi hoàn thành PGCM riêng tại Hà Giang đã có hai trường hợp hy sinh, 33 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Lữ đoàn 543 và Quân khu 2 bị thương vì bom mìn. Có những trường hợp bị thương nặng đến mất tay, chân. Trước năm 2002, cũng đã có một cán bộ Phòng Biên giới (Sở Ngoại vụ Hà Giang) hy sinh. |
Theo Thanh nien
Cột thiêng nơi địa đầu Tổ quốc - Kỳ 3: Áp lực trên vai người cắm mốc
Cột thiêng nơi địa đầu Tổ quốc - Kỳ 2: Sức mạnh của lý lẽ
Cột thiêng nơi địa đầu Tổ quốc, kỳ 1
Nhạn trắng Cà Mau - Kỳ cuối: Mặt trận Hà Tiên và bi kịch cuối đời